Café đenQuán ven đường

‘Người Phụ Nữ Quyền Năng Nhất Thế Giới’ | James Lập

James Lập chuyển ngữ

Tạp chí Mỹ National Geographic công bố:
Đức Trinh Nữ Maria là ‘Người Phụ Nữ Quyền Năng Nhất Thế Giới’

Chuyện trang bìa này về Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với tựa đề: “Làm thế nào Đức Trinh Nữ Maria trở thành người phụ nữ quyền năng nhất thế giới. Maria hầu như không nói nhiều trong Tân Ước, nhưng hình ảnh và di sản của Mẹ được tìm thấy và tôn kính khắp nơi trên thế giới.”

Tạp chí National Geographic đã ghép nhà văn xuất sắc từng đoạt giải thưởng Maureen Orth với nhiếp ảnh gia Diana Markosian*. Orth, người Công giáo và cựu tình nguyện viên Tổ chức Hòa  bình Peace Corps*, là phóng viên đặc biệt của tạp chí Vanity Fair*, đồng thời là người sáng lập Quỹ Marina Orth, tổ chức thúc đẩy việc học nâng cao công nghệ, tiếng Anh và tài lãnh đạo cho hơn 3.200 sinh viên nước Colombia (Nam Mỹ*). Cô đi nghiên cứu vài tháng đến BosniaHerzegovina, Ai Cập, Pháp, Mexico, Bồ Đào Nha và Rwanda. Đức Mẹ đã truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật. Cả triệu người đến kính viếng Mẹ hàng năm và tạp chí National Geographic đã vinh danh Mẹ là người Phụ nữ Quyền năng nhất Thế giới: Mẹ chính là Đức Nữ Đồng trinh.

Trong câu chuyện trang bìa tháng 12 tạp chí này khám phá ra ảnh hưởng Đức Maria gồm những lần Mẹ hiện ra và những phép lạ Mẹ đã làm. Theo Michael O’Neill, tốt nghiệp ĐH Stanford (Cali Mỹ), người ghi lại trên trang mạng www.MiracleHunter.com: Có 2.000 lần Đức Mẹ Đồng Trinh hiện ra từ năm 40 SCN gồm cả những cuộc hiện ra cho các thánh tương lai và những người bình thường. Chỉ có 28 lần* được các Giám mục địa phương chấp thuận. Giáo hội Công giáo lại có một quy chế nghiêm nhặt để chấp nhận những hiên tượng này thành chính thức, thế nên chỉ có 16 nơi hiện ra được Vatican công nhận là phổ quát*.

Một trong những địa điểm quan trọng nhất hiện nay là Medjugorje, ở Bosnia-Herzegovina, nơi 6 trẻ em được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria năm 1981. Mẹ bảo chúng truyền bá thông điệp ‘hãy năng cầu nguyện hơn và ăn năn đền tội.’ Đến nay đã có 30 triệu tín hữu hành hương đến Medjugorje, nhiều người mong được phép lạ chữa lành bệnh. Khi mặt trời lặn ở Medjugorje thì còn một điểm nóng cho các tín đồ của Mẹ và nhiều người từ các quốc gia khác nhau tụ lại để cầu nguyện. Những sự kiện này, nhà báo Maureen Orth khẳng định: chính là điều khiến Mẹ xứng với danh hiệu “người Phụ nữ quyền năng nhất.”

“Không có người phụ nữ nào được tôn vinh như Mẹ Maria,” Orth viết. “Là biểu tượng phổ quát của tình mẫu tử, cũng như của sự đau khổ và hy sinh, Đức Maria chính là nền tảng cho sự khát mong ý nghĩa cuộc đời chúng ta.”

Ở Lộ Đức, một thị trấn nhỏ nước Pháp nổi tiếng với các phép lạ của Mẹ, các tình nguyện viên giúp đẩy xe lăn cho những người hành hương bị bệnh nan y hoặc mãn tính.

Các nhà phê bình thì cho rằng trang bìa được phóng đại vì quan điểm sùng đạo. Nhưng Orth là người Công giáo, cho biết cô muốn nắm bắt cả lý do tình cảm lẫn kinh viện mà Đức  Maria được cho là rất quyền năng. “Một số người muốn tôi nói nhiều về kinh viện. Số khác lại muốn nghe nhiều về cảm xúc. Tôi đang cố gắng cống hiến hết sức có thể để tôn trọng cả 2 yêu cầu này,” cô Orth nói với Phóng viên Công giáo Quốc gia (NCR*). “Thật hấp dẫn và thú vị khiến tôi rất hăng say làm công việc này.”

Phóng viên Công giáo Quốc gia Mỹ (NCR*) ở Thủ đô Hoa Thịnh đốn phỏng vấn cô Orth:

Maureen Orth, phóng viên đặc biệt của tạp chí Mỹ Vanity Fair*, đã viết nhiều về các thần tượng âm nhạc, các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới và những đạo diễn cũng như tài tử Hollywood, được tạp chí National Geographic mời nghiên cứu và kính viếng những nơi Đức Mẹ hiện ra để viết về một chủ đề hoàn toàn khác: Đức Mẹ đồng trinh.

Tựa đề trang bìa tháng 12 của tạp chí này là: “Đức Maria, người Phụ nữ quyền năng nhất thế giới.” Orth đã đến tham quan một số quốc gia và phỏng vấn hàng chục người có lòng sùng kính Đức Maria rất mạnh mẽ – gồm những người công bố đã nhìn thấy Mẹ, những người tin rằng sự chuyển cầu của Mẹ đã chữa họ lành bệnh và những người đang đi tìm sự hướng dẫn tâm linh và cầu bầu của Mẹ.

Trong văn phòng tạp chí ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 24-11-(2015*), cô Orth cho biết điều gây ấn tượng nhất đối với cô khi phỏng vấn nhiều người cho bài báo là sức hấp dẫn của Mẹ Maria trên nhiều lĩnh vực cũng như các nền văn hóa khác nhau. Cô nói: “Đây là cuộc hành trình rộng rãi khắp thế giới và lưu ý đặc biệt nổi bật sau cả năm kính viếng các địa điểm sùng kính Đức Mẹ Bosnia-Herzegovina, Pháp, Mễ, Ai Cập và Rwanda: Đức Maria là “niềm hy vọng và an ủi của rất nhiều người kể cả người Hồi giáo.” Cô nói với Phóng viên Công giáo Quốc gia rằng người Hồi giáo rất sùng kính Mẹ Maria là “Thánh nữ của Chúa,” là “chiếc cầu nối kết cần được khám phá thêm,” nhất là trong thời điểm xung đột hiện nay do chủ nghĩa tôn giáo cực đoan gây ra.

Orth là người Công giáo sùng đạo chắc chắn biết rõ Đức Maria trước khi nhận nhiệm vụ này, cho biết cô đã học được rất nhiều từ việc nói chuyện với các chuyên gia kinh viện và đọc sách các nhà thần bí viết về Mẹ Maria nhưng những nhận xét của họ không được đưa vào bài báo. Cô nhận làm công việc này vì “mối quan hệ cá nhân” đối với Mẹ Maria hơn là để hiểu biết. Cô hiểu Maria như người mẹ sau khi nói chuyện với nhiều người sùng kính Mẹ. Cô cũng chứng kiến đức tin sâu thẩm của nhiều người từ phương xa đến nơi được cho là Mẹ hiện ra như Medjugorje, ở BosniaHerzegovina, nơi 6 trẻ nhỏ trong làng nói rằng chúng nhìn thấy Đức Mẹ lần đầu tiên năm 1981 và tiếp tục chứng kiến nhiều lần sau đó. Hội đồng tín lý Vatican đang cứu xét những công bố này.

Trong ngôi làng nhỏ ấy, Orth đã gặp 4 bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 (nguy hiểm*) tháng 11 năm trước (2014*): Hai người đã chết, một người đang được điều trị và một người không còn dấu hiệu bệnh nữa. Cả 4 người đều nói đến sự thay đổi tâm linh và bình an nội tâm của họ. Arthur Boyle là người cha 59t chơi khúc côn cầu (hockey*) ở Boston nói với Orth rằng năm 2000, một trong những thị nhân ở Medjugorje đã cầu nguyện cho anh được khỏi bệnh. Bệnh này luôn đeo đẳng anh vì anh chỉ còn sống được vài tháng nữa thôi. Trong lúc cầu nguyện anh cảm thấy nóng ran cả người. Khi trở về Boston tuần sau đó, anh đi chụp CT* ở Bệnh viện Đa khoa Bang Massachusetts cho thấy các khối u của anh gần như biến mất. Từ đó, anh trở lại kính viếng Medjugorje 13 lần nữa.

Các chủ bút tạp chí National Geographic lại hỏi Orth bên lề câu chuyện rằng: “Tại sao phép lạ chỉ xảy ra với một số người mà không phải cho những người khác?” Orth không thể trả lời câu hỏi thần bí này được mà lưu ý đến thách thức khi giải thích những lời tường thuật thuộc tâm linh trong tạp chí khác (x. phỏng vấn bên dưới*).

Một trong những điểm dừng chân truyền cảm nhất của Orth đối với bài báo này là ngôi làng nhỏ Kibeho, ở Rwanda (Châu Phi*), được mô tả là nơi Mẹ Maria hiện ra cho 3 cô gái trẻ thập niên 1980 để báo trước nạn diệt chủng sẽ xảy ra tại quốc gia này năm 1994. Năm 2001, Vatican đã xác nhận những công bố của 3 cô gái này. Một người đã bị giết trong cuộc diệt chủng, một người trở thành nữ tu ở Ý, và người thứ 3 phải chạy sang Cộng hòa Dân chủ Congo rồi Kenya trong cuộc tấn công kéo dài 3 tháng. Người Hutu đa số tấn công người Tutsi thiểu số đã giết hại hơn 800.000 người. Các cô gái này, Orth viết, cho biết “họ đã trải qua rất nhiều giờ hầu chuyện với Đức Trinh Nữ, tự xưng là Nyina wa Jambo, Mẹ của Ngôi Lời. Maria nói chuyện với các cô gái này thường xuyên đến nỗi họ gọi Bà là Mẹ.” Đức Maria đã nói về tình yêu Chúa Giêsu và cho những cô gái này lời khuyên về tình mẫu tử. Mẹ cũng cho họ thấy thiên đường, hỏa ngục và luyện ngục cùng với những hình ảnh khủng khiếp về nạn diệt chủng Mẹ đã cảnh báo có thể xảy ra nếu dân Rwanda không cải đổi tâm hồn và tránh xa tội ác. Orth nói những người mà cô nói chuyện kể lại đã nhìn thấy các cuộc hiện ra đều có vẻ thật. Cô tiếp cận họ như một nhà báo đến điều tra. Những câu chuyện của họ đều nhất quán trong suốt nhiều năm, và họ cũng đã trải qua nhiều cuộc thẩm vấn từ các quan chức Vatican. Orth chỉ ra rằng rất ít người biết về Maria từ Kinh thánh. Cô cũng tiết lộ thêm việc thiếu chi tiết về Maria này đã không ngăn được mọi người đến với Mẹ bằng lời cầu nguyện và lòng sùng kính như cách để hiểu và đến gần Chúa hơn. “Số người xin Mẹ hướng dẫn và chỉ đường cho họ đến ý nghĩa cao cả hơn rất ấn tượng,” Orth thuật lại.

Báo Công giáo phỏng vấn cô Orth:

Nhà báo: Trước khi nhận nhiệm vụ này, cô có cảm nhận được chiều sâu và chiều rộng của lòng sùng kính Đức Maria trên khắp thế giới không?

Orth: Tôi đi du lịch rất nhiều nơi và lớn lên là người Công giáo. Tôi đã quen với Mẹ Maria trên khắp thế giới. Chắc chắn tôi không biết nhiều về Mẹ trong Hồi giáo. Tôi không biết về Mẹ Maria ở Rwanda. Nhưng chắc chắn tôi biết về Fatima (Bồ), Lộ đức (Pháp) và Guadalupe (Mễ). Đầu tiên tôi đến thư viện Đức Mẹ ở Đại học Dayton* để nói chuyện với những nhà chuyên môn ở đó. Tôi cũng đến dự hội nghị về Đức Maria tại ĐH Công giáo*. Tôi đã đặt mua hàng chục quyển sách. Tôi cũng đến gặp Michael O’Neill*. Để làm quen cho chính bản thân, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều. Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã nghe về Arthur Boyle và Medjugorje [thị trấn ở biên giới Bosnia-Herzegovina] và những gì đã xảy ra với anh [được chữa khỏi ung thư giai đoạn 4]. Tôi nhận được quyển sách của anh, đọc xong tôi phỏng vấn anh. Rồi tình cờ anh dẫn một phái đoàn đến kính viếng Medjugorje. Tôi tham gia cuộc hành hương đó.

Nhà báo: Cô biết khi ĐGH Phanxicô được hỏi ý nghĩa Đức Maria đối với ngài thì ngài trả lời, “Bà là Mẹ tôi.” Câu chuyện của ngài phản ảnh lần nữa mối quan hệ mật thiết cá nhân mọi người đối với Đức Maria như người mẹ.

Orth: Đúng thế. Có 2 quá trình khác nhau: Thứ nhất, đó là khoảng thời gian tôi chuẩn bị đến những nơi này nhưng không đến cùng lúc. Sau đó, tôi phỏng vấn mọi người và bắt đầu nhận ra rằng đây thật là mối quan hệ mẹ-con – bất kể bạn bao nhiêu tuổi, không cần biết bạn là nam hay nữ hoặc bạn thuộc quốc gia nào. Trong thiên niên kỷ đầu, theo Miri Rubin*, Maria giống Hoàng hậu* hơn. Nhưng từ thiên niên kỷ II trở đi, Bà trở thành mẫu gương của tình mẫu tử.

Nhà báo: Gs Amy-Jill Levine, nhà nghiên cứu Tân Ước và Do Thái giáo tại ĐH Vanderbilt*, bảo rằng việc thiếu thông tin về Đức Maria khiến mọi người hình dung ra hình ảnh người mẹ đau buồn, trinh nữ trẻ, thần nữ, “như Chúa Giêsu là người đàn ông lý tưởng, Maria là người phụ nữ lý tưởng.” Bà GS ấy có vẻ đúng khi mô tả con đường mọi người đến với Maria.

Orth: Vâng, vì khao khát ý nghĩa tâm linh phổ quát, tôi nghĩ thế. Bất kể bạn thuộc tôn giáo nào, đó là đường tâm linh. Chính Maria đã trở thành đường dẫn chúng ta đi. Tôi tin Mẹ là một trong những con đường chính hướng tới Chúa Giêsu, hướng tới Chúa Trời. Mẹ dẫn đường với tư cách là người chuyển cầu. Trong khi hầu hết nhóm Tin lành thệ phản không tin điều này, thì người Công giáo lại thực hành. Người Hồi giáo còn chắc chắn hơn nữa: Bà là người phụ nữ được tôn kính nhất, dù họ không tin Chúa Giêsu là Chúa Trời. Tôi rất đồng ý với Giáo sư Levine.

Nhà báo: Maria đã xuất hiện với 3 nữ sinh Rwanda và Vatican đã công nhận. Cuộc phỏng vấn của cô với một trong những cô gái này là Anathalie Mukamazimpaka, nay đã 50 tuổi, có vẻ khá ấn tượng. Trải nghiệm đó thế nào?

Orth: Rwanda thật độc đáo và hấp dẫn. Tôi không biết phải mong đợi gì hơn nữa. Khá phức tạp để có được câu chuyện này. Tôi phải bay từ Cairo (Ai cập*) lúc 2:15 sáng, bay suốt đêm đến thủ đô của Rwanda. Sau đó lấy xe jeep lái trên đường nhựa cũng như đường đất để đến thị trấn Kibeho trên sườn đồi. Đến Kibeho, tôi may mắn gặp được linh mục và ngài đưa tôi đến gặp Anathalie. Có một giáo viên tiếng Anh trẻ phiên dịch cho tôi. Đến đó nghe cô ấy kể chuyện gần như trải nghiệm siêu thực để lắng nghe người mà Vatican đã xác nhận cuộc hiện ra trong thời gian dài. Có nhiều nhân chứng khác nữa. Tôi đã nói chuyện với bác sĩ 89t, người chịu trách nhiệm chăm sóc các cô gái này. Anathalie đã không rước được Mình Chúa 14 ngày và bác sĩ nói ông có thể đi tù nếu cô ấy chết. Ông phải canh chừng cô ấy thật cẩn thận. Ông mô tả rất chi tiết điều đó. Đã có lúc [các cô gái] bảo rằng họ trải qua cuộc hành trình thần bí và được chứng kiến thiên đường, hỏa ngục và luyện ngục. Họ xuất thần hơn một ngày. Không ai có thể nâng họ lên nỗi. Các cô gái ấy nói với mọi người: “Đừng chôn sống chúng tôi nếu nghĩ là chúng tôi đã chết. Thật ra chúng tôi còn sống.” Tôi chưa bao giờ gặp kiểu trải nghiệm như thế trong những bài tường thuật trước đây.

Nhà báo: Khi cô suy ngẫm về những trải nghiệm về Đức Maria ở những quốc gia khác nhau, và những nhóm người có nền văn hóa khác nhau, điều gì nổi bật luôn giống nhau giữa các tín đồ ấy?

Orth: Có những đặc điểm nhất định của Mẹ Maria mà mọi người đều mô tả. Về bề ngoài, đó là nét trẻ đẹp của Mẹ. Những người bảo đã nhìn thấy Mẹ đều choáng ngộp. Theo các cô gái ở Rwanda và Medjugorje, Mẹ Maria đã dành hàng giờ nói chuyện với họ. Đây là mô hình đồng nhất: Mẹ luôn hiện ra với những người nghèo khó, thường ở các khu bị xung đột chiến tranh, những vùng các quốc gia bị khinh thường về mặt kinh tế. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng bạn làm điều gì cũng luôn luôn vì “người khác,” bạn nghĩ về “người khác” nhiều hơn chính mình. Thông điệp của Mẹ Maria cũng thế: hãy cầu nguyện nhiều hơn, đền tội cho người khác, hãy đi xưng tội… Không phải chỉ hiện ra thôi đâu (luôn luôn có thông điệp*)

Nhà báo: Trong sự nghiệp của cô, cô đã phỏng vấn các ngôi sao nhạc rock như Bob Dylan và các nhà lãnh đạo chính trị như TT Nga Vladimir Putin. Làm sao so sánh bài này với những bài đó?

Orth: Đây là công việc dài và xa xôi nhất. Tôi đã phải gồng mình ra làm: Đây là thử thách khó nhất. Rồi cũng là thử thách khó nhất nữa là tôi phải tường thuật lại trong 5.000 từ – vừa bày tỏ cảm xúc linh thiêng vừa đưa ra những sự kiện cơ bản. Không phải dễ thực hiện. Một số người muốn tôi nói nhiều về kinh viện. Người khác lại muốn nhiều hơn về cảm xúc. Tôi cố gắng cung cấp nhiều nhất để đáp ứng cả 2 yêu cầu đó. Thật hấp dẫn và thú vị làm tôi rất vui thực hiện điều này.

Theo Maureen Orth
Phóng viên đặc biệt cho tạp chí Mỹ National Geographic & Tom Gallagher
Phóng viên Công giáo Quốc gia NCR – National Catholic Reporter

___________________________________________

  • Phép lạ có 3 cấp:
  1. Cấp địa phương: GM giáo phận điều tra và quyết đinh.
    Td: Đức Mẹ La Mã Bến Tre, GP Vĩnh Long.
  2. Cấp quốc gia: Hội đồng GM điều tra và quyết định.
    Td: Đức Mẹ La Vang, Việt Nam.
  3. Cấp Giáo hội phổ quát: Vatican điều tra và quyết định.
    Td: Lộ Đức, Fatima v.v.

* Tạp chí Mỹ Vanity Fair chuyên về văn hóa, thời trang và chính trị.

* US Peace corps (Hội đoàn Hòa bình Mỹ) được TT John F Kennedy thành lập năm 1961. Việt Nam là thành viên thứ 143 (2022) và sẽ hoạt động nhiều hơn sau 17 năm bàn luận.

* ĐH Vanderbilt: TP Nashville, Bang Tennessee, Mỹ

* Diana Markosian: Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Armenia với những bức ảnh khám phá mối quan hệ giữa ký ức và địa điểm. Có bằng Thạc sĩ Khoa Báo chí ĐH Columbia NY lúc 20t. Công việc đã đưa cô đến một số nơi xa nhất thế giới. Ảnh cô thu được đăng trên các tạp chí National Geographic, The New Yorker, The New York Times và nhiều ấn phẩm khác.

* Đại học Công giáo Dayton: TP Dayton Bang Ohio, Mỹ.

Bài liên quan

Back to top button