Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

ĐƯỢC SẠCH | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B
(Mc.1,40-45)
****
ĐƯỢC SẠCH

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !”
42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,
44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được làm sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

_______________________

SUY NIỆM

ĐƯỢC SẠCH

  1. Thiên Chúa tạo dựng con người thanh sạch.

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Vì giống hình ảnh Chúa, tất nhiên là con người thanh sạch.

Ngài tạo dựng con người theo ý muốn của Ngài. Tất nhiên Ngài luôn muốn con người được sạch.

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Chúa” (St.1,27)

Những gì nhơ nhớp, ô uế, tất nhiên không có trong Thánh ý của Thiên Chúa.

“Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp !” (St.1,31)

  1. Con người đã tự tìm đến ô uế.

Nhưng, con người lại có sự tự do chọn lựa.

Hình ảnh cây biết lành biết dữ (thường được gọi là cây trái cấm) được nằm giữa vườn địa đàng. Thiên Chúa không rào rấp, ngăn cản, bảo vệ, mà chỉ “truyền lệnh” cho con người đừng ăn trái của cây đó, và cho biết hậu quả sẽ như thế nào nếu ăn trái cây đó.

“Cây trái cấm” không phải như thứ “cung cấm” được bảo vệ nghiêm ngặt cùng với những biện pháp an toàn tuyệt đối, nhưng con người vẫn được tự do tiếp cận, được “chạm vào” một cách tự do bất cứ giờ phút nào.

Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác thì không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn người sẽ phải chết (St.2,16-17).

Lệnh truyền của Thiên Chúa, cũng chính là lời Giáo Huấn, dạy dỗ “dân Ngài”, khuyên răn con cái của Ngài. Lời đó rất ngắn gọn, dễ hiểu, và dứt khoát. Lời đó chan chứa tình thương vì muốn con người được  sạch. Được sạch là vô tội, là được sống.

Sự vâng lời Thiên Chúa hay không là sự chọn lựa của con người. Sự vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn là sự tự nguyện của con người.

Và, con người đã nghe theo lời ma quỷ. Con người đã chọn lựa lời Satan và chối từ nghe theo Thiên Chúa.

Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St.3,4-5).

Lập tức tội lỗi tràn ngập vào vạn vật. Rối loạn, ô uế, nhơ nhớp và tang tóc. Nói chung, không còn bình an từ bên ngoài đến nội tâm con người. Con người trở nên “trần trụi”, mất tất cả, ngay cả mạng sống.

Ngày tháng hạnh phúc bên Chúa không còn. Khổ đau và sự bất an ngự trị, bóng tối phủ tràn lên kiếp người và tử thần thống trị vì con người đã chọn lựa Satan.

  1. Chúa Giê-su luôn muốn con người được sạch.

Người Do Thái cho rằng ai bệnh hoạn, tật nguyền là do người đó tội lỗi. Đối với họ, phong hủi là đỉnh cao của tội lỗi, là sự trừng phạt của Thiên Chúa.

“Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài. (Ga.9,1-41).

Nhưng, bệnh tật chỉ là một phần của đau khổ. Đau khổ là số phận chung của kiếp nhân sinh, không phải của riêng ai. Đau khổ có thiên hình vạn trạng. Đau khổ có khi đến từ những cơn đau tàn phá thể xác, có khi đến từ những cơn đau dẫm nát tâm hồn. Biết bao người lành mạnh thể xác, nhưng lại có nỗi đau trong lòng không thể chịu đựng nổi nên đã quyên sinh.

Hình ảnh của người phong hủi là sự bất hạnh cao điểm của kiếp người. Chết còn sướng hơn sống. Nó không chỉ dừng lại ở ơn đau thể xác, nó là đại diện nổi đau khổ cùng tận của kiếp nhân sinh. Nó là sự tan nát tâm hồn, là sự chới với khi niềm tin đã mất.

Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Ngài muốn tái tạo một thế giới mới trong sạch. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người được sạch. Ngài muốn vạn vật được thanh sạch như thuở ban đầu. Ngài muốn con người được sạch để quay về với Thiên Chúa.

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngày muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc.1,40-41).

Người bị phong hủi mở đầu lời van xin bằng câu : Nếu Ngài muốn…”.

Chúa Giê-su đã đáp lại bằng “thái độ” và “lời nói” thật gần gũi: Giơ tay đụng vào”, và bảo Tôi muốn…”.

Giơ tay đụng vào là thái độ đến từ “chạnh lòng thương”. “Giơ tay đụng vào” là thái độ không xa lánh, ngược lại hoàn toàn với thái độ trong luật Do Thái, người phong hủi phải sống cách ly và phải tự lánh xa đồng loại: “Ô uế đây! Ô uế đây !”. Không ai dám đến gần người phong hủi và người phong hủi cũng không có quyền cho ai đến gần.

Giơ tay đụng vào” cũng có ý nghĩa là “vòng tay đón nhận”. Đó là sự Tha Thứ. Là Tình Yêu Cứu Độ.

Như hình ảnh “người cha nhân hậu” rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Đón nhận một con người đang rên rỉ với thân xác lở lói phong hủi, cũng như đón nhận một con người tâm hồn đang tan nát khổ đau.

  1. Tin tưởng vào Chúa !

Ngày nay, con người đang rơi vào thứ bệnh dịch của cuộc sống ăn chơi thác loạn. Đạo đức suy đồi và những giá trị truyền thống cao quý đang bị loại dần.

Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.” (2Tm.4,3-5).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất dần cảm thức về tội lỗi và để tiếng nói lương tâm bị đè bẹp.

Làm sao con người có thể nhận ra những bệnh hoạn tâm hồn khi con người không còn biết thế nào là bợn nhơ tội lỗi ?

Khi con người không còn nhận ra thứ phong hủi tâm hồn, làm sao con người biết chạy đến Chúa để xin được sạch ?

Điều đáng sợ nhất khi trị bệnh cho một người điên (bệnh tâm thần), là anh ta luôn bảo rằng anh ta đang tỉnh!  và vì thế, anh ta không chịu uống thuốc, không chịu điều trị ! Nhưng nếu một người thốt lên: “Trời ơi, tôi điên rồi ! Sao tôi lại có thể hành động như thế ! Tôi điên rồi !” – Thì người đó lại là người đang tỉnh hơn bao giờ hết ! Khi nhận ra mình điên, là lúc mình tỉnh.

Gần đây, chúng ta nghe những vụ án tài trời mà kẻ phạm tội thật lạnh lùng trước vành móng ngựa. Họ kể lại tội ác như kể chuyện giải trí với sắc mặt lạnh lùng đến mức vô hồn. Khi tòa án kết án họ rồi, họ bình thản bước đi như không có gì phải ăn năn sám hối.

Được sạch” là trông đợi Chúa thứ tha, trông đợi Chúa Cứu Chuộc.

Chỉ có Chúa Giê-su mới làm cho chúng ta được sạch, và Ngài luôn chờ đợi chúng ta đến với Ngài để Ngài làm cho ta được sạch.

Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” (MC: 1,8)

Có thể Hồn ta phong hủi trong tội lỗi”.
Có thể Tâm tư, trí óc ta lở lói hôi tanh vì dục vọng thấp hèn”…
Ta không còn cơ hội nào quay về với Chúa sao …

Có một cô gái giang hồ tâm sự : Tôi đã trở về với Chúa sau một đêm tội lỗi. Buổi sáng hôm ấy mệt mỏi rã rời, tôi cầm đồng tiền đô-la nhơ nhớp, bất chợt tôi nhìn vào hàng chữ “In God we trust” (chúng tôi tin tưởng vào Chúa), một cảm xúc lạ lùng đến với tôi. Nhiều đêm liên tiếp tôi suy nghĩ…tôi khóc… và tôi trở về với Chúa. 

Như người nữ ngoại tình đứng bên bờ vực của cái chết, nhưng Chúa Giê-su đã cứu chị ta với một câu nói thật nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết : “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước đi” (Gn 8:7).

Ta trông cậy dòng máu Cứu Chuộc của Ngài rửa sạch thánh hóa hồn ta, để ta được trở về làm con cái Thiên Chúa, được sống trong tình yêu Thiên Chúa, được hưởng hạnh phúc và vinh quang bất diệt của Ngài.

Khi ta biết cất lên lời kêu cầu : “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn…” là ta đã biết hoàn toàn phó thác vào Ngài. Ta tin vững vàng rằng Ngài sẽ trả lời : Ta muốn…”. nếu điều ta kêu xin cần thiết đến sự sống còn của ta, hạnh phúc đời ta. Vì Ngài luôn yêu thương ta. vì ta là con cái của Ngài, vì ta thuộc về Ngài, Ngài không bao giờ bỏ rơi ta.

Lạy Chúa,

Xin cho con được sạch,
xa lánh những gì nhơ nhớp hôi tanh,
xin cho con biết chạy đến với Ngài,
khi hồn con tan nát.
Vì chỉ có ngài,
mới đem lại cho con,
sự thanh sạch xác hồn.
Và nhờ đó,
con được hạnh phúc trong Ngài mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
______________

Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/595-chua-nhat-6-tn-b-xin-tu-duc-tin

 

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button