Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Bà Chrese Evans, cháu của Stalin: Một phụ nữ tự do

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/evans-1.jpg

Bà Chrese Evans tại căn nhà của bà ở Portland, mẹ của bà đã sống ở đây với bà. Ngoài một vài người bạn, không ai biết bí mật nặng nề của bà Chrese. © Sebastien Micke

parismatch.com, Frédéric Couderc, 2012-01-08

Bài phỏng vấn bà Chrese Evans (năm 2012), một phụ nữ Mỹ có dáng dấp bên ngoài rock’n’roll, bà thông báo cái chết mẹ của bà, Svetlana, con gái của bạo chúa Stalin. Hôm nay bà nói về gia đình bà.

Một khu phố khiêm tốn gần Portland, Oregon. Không ai ở đây biết người phụ nữ trẻ sống dưới tên Chrese Evans có một cửa hàng nhỏ ở trung tâm thành phố chỉ cách nhà bà hai mươi phút. Bà là cháu ngoại của Stalin, Chrese, 40 tuổi, sống ẩn danh ở đây. Bà chưa bao giờ tiếp nhà báo tại nhà riêng. Nhưng cú sốc về cái chết gần đây của mẹ bà, bà Svetlana Allilouïeva (22-11-2011), con gái duy nhất của bạo chúa, đã làm cho bà phải nhường bước. Bà mời khách vào nhà. Khuôn mặt góc cạnh, đậm cá tính sla-vơ, cái nhìn của bà nói lên một đời sống từng trải. Tay vuốt mái tóc hung để lộ hình xâm ở cánh tay: “Con gái yêu của mẹ”. Trong khung hình đen trắng bên cạnh là hình của bà Svetlana Allilouïeva, “con chim sẻ nhỏ” của Joseph Stalin, với nụ cười đi vào thiên thu.

Mẹ của bà sống một cuộc đời ẩn dật, bà sống ở đâu trong những năm cuối đời?

Bà Cherse Evans: “Từ ba năm nay mẹ tôi sống trong một căn phòng nhỏ ở trung tâm y tế Richland Center dành cho người nghèo, những nông dân bị phá sản ở bang Wisconsin. Bà đọc, bà sửa soạn một chút, bà bỏ nhiều thì giờ để viết thư. Chúng tôi nói chuyện mỗi ngày qua điện thoại lúc 6 giờ chiều, mỗi người một ly trên tay. Bà xem phim trên DVD, bà không bao giờ xem truyền hình, bà ghét thậm tệ. Bà may vá rất nhiều, những tấm thảm bà bọc tường. Bà lên lai, vá áo quần cho những người cũng ở nhà già như bà. Bà cảm thấy dễ chịu khi ở đây, cuối cùng thì bà cũng được nghỉ ngơi, mẹ tôi thay đổi địa chỉ cả đời.

Bà qua đời bình an?

Từ lâu bà đau lưng, bà đi đứng khó nhọc, bà phải đi gậy và khó ngủ. Tôi cho bà uống dược thảo vì bà rất ghét thuốc tây. Đầu tháng chín bà bị đau. Bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị ung thư ruột già. Bệnh phát rất nhanh, nhưng cám ơn Chúa, bà ra đi bình an. Như thử cuối cùng bà thắng được cuộc chiến mà bà mang tận trong sâu thẳm con người mình, cuộc chiến chối bỏ con quỷ Stalin mà con quỷ này lại là cha mình. Ông rất quý bà, là người cha đơn giản, chơi với con mình, coi sóc bài vở của con như bất cứ người cha nào. Bà được nuôi dạy như một cô công chúa.

Bà có tự động khơi ra để nói về tuổi thơ ấu, về tuổi thanh xuân của bà không?

Mẹ tôi có một trí nhớ phi thường, bà nhớ rất nhiều chi tiết, từ mùi thuốc lá của ông ngoại, đến bộ râu chích chích… Bà ngoại của tôi, Nadejda Allilouïeva, tên ở nhà là Nadia, để lại một dấu ấn rất sâu trong lòng mẹ tôi. Bà ngoại tôi rất bứt rứt và là một người cực kỳ vị kỹ. Ông bà cố tôi cũng nhận bà ngoại tôi bị xáo trộn tâm thần. Chẳng hạn, bà ngoại tôi không bao giờ ôm mẹ tôi, vì bà nghĩ những người bolshevik chỉ có một gia đình: đó là đảng. Bà thuộc giới thượng lưu, khi nào cũng nói mình không được để lộ tình cảm. Bà ngoại vẽ một khung trên quả tim con gái, để cho con thấy mình phải chôn các bí mật vào đây. Khi mẹ tôi lên sáu, thì bà ngoại tôi chết, người ta loan tin chính thức chết vì đau ruột dư. Khi tang lễ, Stalin khóc như đứa con nít, biết chắc chắn đây là một bội phản riêng tư. Chỉ đến khi 20 tuổi, nhờ một tờ báo Anh, mẹ tôi biết thật ra bà ngoại Nadia dùng súng tự tử. Bà cố tôi xác nhận thông tin của tạp chí này, từ đó cuộc sống của mẹ tôi tan vỡ.

(Chúng ta đang ở năm 1946. Svetlana Allilouïeva sinh bé trai Joseph. Người cha là một đồng chí do thái ở trường đại học, và Stalin làm tất cả để ly gián một hôn nhân ông không chấp nhận. Svetlana ly hôn, sau đó tái hôn với con trai của một chức sắc và sinh ra một bé gái, Iekaterina. Mãi cho đến khi cha qua đời năm 1953, bà mới nhận ra sự tàn ác của chế độ do ông đặt ra. Khi người tình mới của bà, Brajesh Singh, người Ấn Độ, qua đời vào năm 1966, bà xin tị nạn chính trị tại sứ quán Mỹ ở New Delhi. Bà bỏ rơi Joseph lúc đó 20 tuổi và Iekaterina, 16 tuổi)

Con gái của Stalin có dễ dàng thành người Mỹ không?

Mẹ tôi đến New York tháng 4 năm 1967, qua ngã Rôma và Thụy Sĩ. Ban đầu bà định cư ở New Jersey, Princeton và học đại học ở đây. Vợ của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, một vũ công tên là Olga kết tình bạn với bà. Bà Wright bị ám ảnh, nghĩ rằng con gái của bà cũng tên là Svetlana bị tai nạn chết mấy năm bây giờ trở lại với bà qua mẹ tôi. Bà sắp xếp để mẹ tôi lấy người con rể góa vợ: cha tương lai của tôi, William Wesley Peters, cũng là kiến trúc sư. Mẹ tôi trở thành Lana Peters và nhập quốc tịch Mỹ năm 1978. Một cộng đồng sống xung quanh Frank Lloyd Wright ở Taliesin, Wisconsin… Mẹ tôi không thể chịu đựng được bầu  khí đó lâu. Nó làm cho bà nhớ liên xô. Cha mẹ tôi ly thân và chúng tôi về lại Pennington, New Jersey.

Người dân ở đây có biết con gái và cháu ngoại của Stalin đang ở gần họ không?

Tôi đang học tiểu học và tôi không thể chịu đựng các bạn gọi tôi là Olga nữa. Một ngày nọ, một giáo viên hỏi tôi có một tên nào khác không. Tôi trả lời “Christina”. Và tôi bắt mẹ tôi gọi tôi là Chris (trước khi chọn “Chrese”). Một ngày nọ, báo chí địa phương biết danh tính của tôi. Vì vậy, chúng tôi đi Anh, đến Cambridge. Chúng tôi chỉ biết chạy trốn…

“Đối với tôi, ông tôi là anh hùng toàn cầu”

Bà ở Anh lâu không?

Mười năm. Đầu tiên chúng tôi ở Cambridge. Tôi là học sinh nội trú tại Friends School Saffron Walden, do người Quakers điều hành, đó là người tin lành, phản chiến, rất từ thiện. Giáo dục là ưu tiên hàng đầu đối với mẹ tôi. Tôi cảm thấy tôi có tài giảng dạy, chấp nhận sự khác biệt… Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận và tôi thích tranh luận. Tôi đã sống qua một kiểu chế độ đẳng cấp ở Mỹ, một bên là người nghèo và bên kia là người giàu. Là một bà mẹ đơn thân cũng chướng mắt. Nước Anh dường như hoàn vũ với tôi… Cho đến khi có câu chuyện của những người săn ảnh này.

Báo chí đã tìm ra tông tích của bà?

Do bất cẩn ở nhà trường. Các nhiếp ảnh gia bao vây trường và các giáo viên đã giấu tôi để đưa tôi về nhà. Tôi không hiểu gì cả, – tôi chỉ biết là một chuyện gì rất to lớn – tôi không biết ông ngoại tôi là bạo chúa. Đối với tôi, ông là một trong ba người trong bức ảnh đã chiến thắng trong Thế chiến thứ hai: Churchill, Roosevelt và ông! Sau đó mẹ tôi xin tôi ngồi yên nghe bà, tôi không được rời khỏi ghế và tôi biết các tội ác của ông ngoại tôi… Khi đó bà nghĩ chúng tôi sẽ được yên hơn khi về lại Liên Xô.

(Ở Princeton, bà Svetlana Allilouïeva đã gây chú ý khi bà đốt hộ chiếu xô viết của bà trước báo giới. Bà ủng hộ những người bất đồng chính kiến và trở nên nổi tiếng, quyển tiểu sử đầu tiên của bà bán được 2,5 triệu đô la. Bà rất nhớ người con trai Joseph. Hai mẹ con gọi cho nhau thường xuyên. Nhưng các nhà chức trách từ chối cấp hộ chiếu vào Anh cho bà Svetlana Allilouïeva, bà đã thành Lana Peters, một biểu tượng của chiến tranh lạnh. Sau đó, bà quyết định về quê hương với cô con con gái “Olga” Peters 13 tuổi. Ở Mátxcơva, cuối cùng bà cho biết bà thù nghịch phương Tây: sau này bà nói, đó là bị  ép buộc.)

Ở Mátxcơva, mẹ của bà có gặp lại các con đầu lòng của bà không?

Bà muốn chúng tôi ở chung với nhau và sợ vì Joseph vừa nhập viện vì nghiện rượu. Cô con gái Iekaterina là nhà hỏa diệm sơn học nổi tiếng, sống ở bán đảo Kamchatka miền đông rất xa. Là người cộng sản cuồng tín, cô xem mẹ mình là kẻ phản bội đất nước. Chúng tôi chưa bao giờ gặp cô, cô cũng không cho chúng tôi biết tin tức về cô. Chúng tôi ở Mátxcơva hai tháng trước khi dọn về Tbilisi, Georgia. Mẹ tôi không nói được một chữ tiếng Gruzia, tôi cũng không nói được tiếng Nga. Có một não trạng tập thể này khắp nơi… Giấc mơ đoàn tụ đã biến thành ác mộng. Tôi cũng vậy, tôi chỉ nghĩ đến việc trở về phương Tây.

Chính quyền đã tịch thu hộ chiếu của mẹ bà?

Đúng, đó là thời Gromyko. Tháng 3 năm 1985, Mikhạl Gorbachev được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và cuối cùng ông cho phép chúng tôi rời xứ, tháng 12 cùng năm. Năm 14 tuổi, tôi về lại trường học của tôi ở Cambridge.

Báo chí có biết hai mẹ con về lại phương Tây không?

Không, chúng tôi sống vài năm ẩn danh… Năm 16 tuổi, tôi lập gia đình với người bạn thân của tôi, và tôi là Chrese Evans. Tôi ly dị sớm và một thời gian ngắn sau khi cha tôi qua đời năm 1991, tôi về Wisconsin sống và nhập cảng các vật dụng Á châu. Trong thời gian này mẹ tôi sống ở London, rồi đến vùng Cornouailles. Bà theo đạo công giáo la-mã còn tôi gần với đạo Phật mà vùng Madison là nơi tiêu biểu ở Mỹ… Cuối cùng mẹ tôi về với tôi ở Wisconsin trong những năm 1990. Bà vứt bỏ quá khứ Âu châu và cảm thấy mình được chấp nhận ở vùng đất nhập cư tốt đẹp này.

Bà có sống với cô ở Porland?

Có, một dạo. … Tôi học xong ở đây và có cơ hội điều hành cửa hàng xinh đẹp này, một cửa hàng bán đồ cổ đủ loại. Từ 10 năm nay, tôi quản lý tiệm này. Sau Portland, mẹ tôi về lại Wisconsin, mẹ tôi du mục suốt đời…

Cuối cùng, bà còn giữ gì từ gia đình Stalin, một cái tên quá nặng nề để mang?

Stalin không phải là một cái tên, đó là tên giả của người bolshevik. Nên tôi phải nói gia đình tôi là gia đình người Dzhugashvili, người Nga gốc Gruzia. Tôi nghĩ họ để lại cho tôi ý niệm của một nỗi buồn man mác Nga. Nếu tôi để một bên các sách lịch sử, các sự thật, các nói dối, các tranh luận, thì tôi sẽ nói điều làm cho tôi chấn động là sự hung ác của các ông bà tôi với con cái họ. Tôi không có tính này, nhưng tôi nghĩ cha mẹ buộc phải chăm sóc con cái và nghĩ đến tương lai của chúng.

Bà có phần nào mặc cảm tội lỗi không?

Chúng tôi xem chúng tôi như nạn nhân. Cứ xem bên ngoại của tôi. Bên ngoại tôi bị Stalin diệt hết. Gia đình Allilouev bị hủy hoại hết: bà ngoại Nadia tự tử, hai anh của bà bị bắt năm 1938, còn em gái của bà ngoại (mẹ tôi rất thương) sau đó cũng bị bắt và chẳng bao giờ thoát trại goulag để trở về. Stalin đã làm tan nát lòng mẹ tôi lúc mẹ tôi 16 tuổi, ông đày  người đàn ông mẹ tôi yêu say đắm đi goulag. Mẹ tôi lặp đi lặp lại: “Ông phá hủy đời mẹ.” Mẹ tôi có câu nói mẫu: “Bất cứ đi đâu, tôi luôn là tù nhân chính trị của cha tôi.”

Người ta có cảm tưởng bà được tự do, nhưng ngược lại…

Bạn không thể nào thay đổi quá khứ. Tôi, tôi hiểu công việc của tôi trên hành tinh này: đó là săn sóc mẹ tôi và yêu thương bà không điều kiện, để tuổi già của bà được đền bù chút nào cho tuổi thơ của bà.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/evans-2.jpg

Ngày 2 tháng 9 năm 1967, Svetlana Allilouïeva lên bìa báo Paris Match. Bà vừa dọn về Princeton, Hoa Kỳ, và là người chỉ trích nặng nề chế độ xô viết. (Ảnh: DR)

Marta An Nguyễn dịch

Bài liên quan

Back to top button