Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Giám mục Felix Gmür: “Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những đau khổ này?”

by Phanxicovn

Giám mục Felix Gmür, giáo phận Basel, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ. Giám mục Felix Gmür giải thích: “Hậu quả của coronavirus, cuộc chiến ở Ukraine và những nơi khác cho thấy Thứ Sáu Tuần Thánh thật không may lại nói lên một điều gì đó của thời sự. Lễ Phục Sinh không phải là một lễ kỷ niệm hời hợt.”

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/giam-muc-felix-1.jpg

Chúa Giêsu chết trên thánh giá nhanh hơn những người khác bị đóng đinh | © Petar Milosevic / Phòng trưng bày Quốc gia Slovenia / wikimedia / CC BY-SA 4.0

cath.ch, Ban biên tập, 2022-04-15

Người dân Ukraine đang sống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của họ mỗi ngày?

Giám mục Felix Gmür: Tôi sẽ huyênh hoang khi tôi ở một nơi an ninh như đất nước Thụy Sĩ để nói quan điểm cá nhân của tôi về những người đang sống trong vùng chiến tranh. Đúng hơn, phải đặt câu hỏi và lắng nghe trực tiếp những người tị nạn ở đó và những người đến đất nước chúng ta tị nạn. Họ như thế nào rồi? Họ cần gì? Làm thế nào chúng ta có thể giúp thúc đẩy hòa bình và làm cho cuộc sống trong tình trạng khẩn cấp dễ chịu hơn?

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/giam-muc-felix-2.jpg

Giám mục Felix Gmür tham gia một buổi cầu nguyện cho Ukraine | Vera Rutimmann

Chúa ở đâu trong mọi đau khổ này?

Bất kỳ câu trả lời nào của câu hỏi này đều hời hợt. Điều an ủi tôi là hy vọng Chúa luôn ở đó và sự hiện diện của Ngài không phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của chúng ta. Niềm hy vọng này được nuôi dưỡng bằng việc cử hành các bí tích và đọc Kinh thánh. Nó nói về một Thiên Chúa, dù và chính đáng trong nỗi đau khổ lớn nhất, Ngài tham dự vào số phận của chúng ta.

Chúa có bỏ rơi con người không?

Câu hỏi này cũng xưa như lần đầu tiên Thiên Chúa gặp con người. Trong nhiều thánh vịnh, người cầu nguyện đặt thẳng câu hỏi này với Chúa. Câu hỏi này cũng là một lời trách móc: Chúa ơi, vì sao con không cảm nhận được Chúa giúp đỡ? Và đó là lời cầu nguyện sốt sắng trong cơn túng quẫn: Chúa ơi, xin đừng để con ngã!

Khi nào cha nói, “Chúa ơi, Chúa ơi, vì sao Chúa bỏ con?”

Chắc chắn có những lúc tôi ít cảm nhận có sự hiện diện của Chúa hoặc khi tôi nghi ngờ. Nhưng cho đến nay, kinh nghiệm về một sự bỏ rơi tuyệt đối của Chúa là điều xa lạ đối với tôi.

“Hy vọng của tôi cậy trông nơi lời cầu nguyện”.

Điều gì mang lại cho cha hy vọng?

Tôi rút hy vọng từ lời cầu nguyện cũng như từ những cuộc gặp gỡ hàng ngày với những người yêu thương gắn bó với người khác theo nhiều cách khác nhau. Những gặp gỡ này củng cố lòng tin của tôi vào khả năng thế giới có thể phát triển vì những điều tốt đẹp. Những cuộc gặp này là một phần trong những gì tôi quý nhất trong thánh chức của tôi.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/giam-muc-felix-3.jpg

Mộ Chúa Giêsu ở nhà thờ chính tòa Thánh Nicolas ở Fribourg | © Maurice Page

Cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá năm 2022 nói cho chúng ta điều gì?

Chúa Giêsu chết trên một gò đất, bị treo trên một trong những cách hành quyết tàn bạo nhất thời cổ đại. Thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta thấy, đau khổ và cái chết là một phần của thế giới này, một thực tế không mong muốn mà chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ. Hậu quả của coronavirus, cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc chiến khác cho thấy Thứ Sáu Tuần Thánh thật không may lại cho thấy một điều gì đó của thời sự. Chúng ta không được dửng dưng trước những cú đánh khủng khiếp của số phận, đau khổ và cái chết của từng người, của cả dân tộc!

“Chúa Giêsu bị hành hình trên thập giá vẫn là một thảm họa”.

Rất nhiều người vô tội chết vì chiến tranh, vì bệnh tật. Cái chết thường không có ý nghĩa. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự giá chẳng vô nghĩa sao?

Việc Chúa Giêsu bị hành hình trên thập giá vẫn là một thảm họa. Nhưng cái chết của Ngài không phải là vô nghĩa. Nhưng Thánh Phaolô và các thánh sử loan báo cho chúng ta, cái chết của Chúa Giêsu là một sự kiện cứu chuộc nhân loại và mọi loài thọ tạo. Khi nhập thể trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa thể hiện tình liên đới với mỗi chúng ta. Liên đới này kéo dài đến vực thẳm sâu nhất của mọi tồn tại, cho đến chết. Thông điệp của Ngài về tình thương và sự tận tụy không điều kiện cho người anh em không chỉ dừng lại ở lời nói suông. Nó được hoàn tựu trong cuộc đời, trong hành động và cái chết của Chúa Giêsu. Thập giá là nơi tin cậy của thông điệp yêu thương không đo đếm được của Thiên Chúa dành cho loài người.

Thứ Năm Tuần Thánh với Bữa Tiệc Ly và đêm Phục Sinh với ngọn lửa Phục Sinh có vẻ dễ hiểu hơn Thứ Sáu Tuần Thánh.

Không phải vậy. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nhận thức được một thực tế hàng ngày tác động đến vô số người. Bạo lực và chết chóc là một phần của thế giới này. Chỉ bằng cách không nhắm mắt, bằng cách cho phép bản thân xúc động trước số phận của những người bị áp bức, hấp hối, bị giết và tang quyến của họ, chúng ta mới có thể tham dự vào sự thay đổi để hướng đến công lý và hòa bình hơn.

“Lễ Phục sinh là hy vọng và sự sống!”

Làm thế nào chúng ta có thể cử hành Lễ Phục sinh khi đứng trước chiến tranh?

Phải có lý do mạnh hơn để mừng Phục sinh! Lễ Phục sinh không phải là một ngày lễ hời hợt mà tất cả những gì còn lại là mệt mỏi vì đã ăn mừng no nê! Chúng ta kỷ niệm lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, nhận biết cái chết và do đó chiến tranh không thể có lời nói cuối cùng. Điều này áp dụng cho cuộc sống ở đây và bây giờ cũng như với số phần của mỗi con người. Lễ Phục sinh là hy vọng và sự sống! Chúa Giêsu đã sống lại, Người đã hứa cho chúng ta sự sống sau khi chết.

Tác phẩm nghệ thuật nào đặc biệt thu hút cha và giúp cha hiểu bí ẩn của Thứ Sáu Tuần Thánh?

Theo tôi, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và cuộc gặp với nghệ thuật đều không có mục đích chính là “hiểu biết”. Đúng hơn, đó là mở rộng một tầm nhìn, thông qua những căng thẳng hoặc những điều không được nghi ngờ, sẽ thay đổi tầm nhìn, và do đó cũng thay đổi tôi. Một tác phẩm nghệ thuật có tác dụng này đối với tôi là tác phẩm “Sống lại” của Valérie Colombel. Tác phẩm được triển lãm lần đầu tiên năm 2011 tại Paray-le-Monial.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/04/giam-muc-felix-4.jpg

“Sống lại” của Valérie Colombel tại Bảo tàng viện Hiéron ở Paray-le-Monial | Valerie Colombel

Điều gì làm cha thích về tác phẩm này?

Nhiều mảnh thủy tinh, lơ lửng trên những sợi chỉ trong suốt, hình dạng giống như một bức tranh khảm, một thánh giá ba chiều với hình người bên trong. Tác phẩm tạo ra sự giằng xé giữa hủy diệt và trỗi dậy, giữa vắng mặt và hiện diện, giữa cái chết và sự sống. Con người trong thập giá không cá nhân hóa. Nó có thể là bất cứ ai, nhưng theo tôi, tác giả muốn ám chỉ đến Chúa Giêsu Kitô. Những gì được thể hiện ở đây liên quan đến một cá nhân, nhưng đồng thời với tất cả nhân loại và tất cả tạo vật: cái chết, những hạn chế, phù du như những quá trình cấu thành của sự biến đổi trong sự buông bỏ hay sự sống lại được nghệ sĩ sáng tạo trong tác phẩm này.

Marta An Nguyễn dịch

Bài liên quan

Back to top button