Chút suy tưVăn - Nghệ

Lệnh truyền trong cơn mê sảng | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi

LỆNH TRUYỀN TRONG CƠN MÊ SẢNG

          Câu chuyện “Vị vua và hai cận thần”.

Nhà Vua nói sảng trong cơn sốt :
Nào, nổi lửa lên và đốt cháy lâu đài đi.

Viên cận thần A ngay lập tức quỳ xuống nhận lệnh và ra lệnh thi hành.

Viên cận thần B không đồng ý và nói với viên cận thần A:
Đức Vua đang trong tình trạng mê sảng và đánh mất lý trí của mình. Chúng ta không thể lấy những lời nói sảng kia làm thánh chỉ được.

Lửa đã được đốt lên, và lâu đài đã được cứu.

Sau khi nhà vua khỏi  bệnh và nghe chuyện, ông ta rất giận dữ. Ông cách chức cận thần B và tăng chức cận thần A.

Bối rối, cận thần B hỏi vua tại sao ông ta lại bị đối xử như vậy.

Vua giận dữ nói với cận thần B:
Ngươi đã không tuân theo thánh chỉ đốt cháy cung điện, như vậy là phạm tội khi quân.

Cận thần B thưa :
Nhưng Bệ hạ chỉ nói sảng trong cơn sốt thôi ạ.

Bị xúc phạm, nhà vua thét lên :
Như vậy thì có gì khác nhau đâu ?

(Theo Contemporary Chinese Fables)

______________

The King and His Two Ministers

A king raved in fever : “Come, start a fire anh burn the palace !”

Minister A immediately kowtowed in obedience and ordered in started.

Minister B disagreed and said to Minister A : “His Majesty is in a delirium and has lost his reason. We can’t take his raving as royal edicts.”

The fire burnt out, and the palace was saved.

After the king recovered and heard this, he was filled with anger. He dismissed Minister B and promoted Minister A.

Confused, Minister B asked the king why he was treated like this.

The king said angrily to Minister B : “You failed to obey the royal edict to burn the palace, which was disobeying  your king.”

Minister B said : “Your Majesty was only raving in a fever.”

Outraged, the king shouted  : “What difference did that make ?”

(Contemporary Chinese Fables)

__________________

MỘT CHÚT SUY TƯ

+ 1. Những hình thức mê sảng.

            Có những “cơn mê sảng” khác nhau, hay có thể nói được là “đó là những hình thức mê sảng khác nhau”. Dễ thấy và khó thấy. Dễ hiểu và khó hiểu. Thể xác và tinh thần.

a ) – Cơn mê sảng từ thể xác bệnh hoạn .

 “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”. Một thể xác trong cơn mê sảng thì làm sao có tinh thần minh mẫn được. Một thể xác đau yếu suy kiệt thì tinh thần làm sao còn sáng suốt.

Nhẹ, thì suy nghĩ lệch lạc, ăn nói lung tung, quyết định mập mờ, thiếu khôn ngoan. Chẳng hạn thể xác mang thương tích, mệt mỏi hoành hành, già yếu lẫn lộn.

Nặng, thì suy nghĩ vô lý, phát ngôn máy móc, quyết định sai lầm, điên điên dại dại.

Trường hợp Nhà vua trong câu chuyện hôm nay là một thí dụ !

“Lệnh truyền của nhà vua là Thánh Chỉ !”. Ý vua là ý Trời ! – Có điều, “thánh chỉ” ở đây là “lệnh truyền trong cơn mê sảng !”

Nhà Vua nói sảng trong cơn sốt : “Nào, nổi lửa lên và đốt cháy lâu đài đi.”(trích truyện)

a ) – Cơn mê sảng từ tinh thần bệnh hoạn

Cuộc đời, mọi người ứng xử với nhau, ngay cả pháp luật, đều ít nhiều phải xét đoán và quyết định “ có tình có lý ”.  “Tình” thì có thể gia giảm, đổi thay, nhưng “lý” phải là lẽ phải, phải là chân lý, Đúng hay Sai, Đen hay Trắng, phải rõ ràng, và không thể nói tới nói lui.

Nên, khi giao trách nhiệm quan trọng cho một người – nhất là một người có ảnh hưởng cộng đoàn – như làm công tác giáo dục, lãnh đạo, điều mà người ta sợ nhất và khó chấp nhận, đó là một người “sai trí”, có đầu óc bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc, không đủ khả năng phân biết chánh-tà, sai-đúng, mất kiểm soát những suy nghĩ và hành vi của mình !

Thế nên, nhiều người khi viết về Giáo Dục, thường nhắc đến một câu nói nổi tiếng của người xưa, thí dụ như trong quyển sách Nghệ Thuật Dạy Học của Sư huynh Mai Tâm, do nguyệt san Giáo Dục xuất bản (Trường Taberd, 53 Nguyễn Du, Sài Gòn. 1969), đã có nhắc đến: “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì hại một mạng người. Làm chính trị mà sai lầm thì hại một thế hệ. Làm văn hóa Giáo dục mà sai lầm thì hại muôn đời”(Lão Tử).

Trong cơn mê sảng thì làm sao không sai lầm được.
Trong cơn điên thì làm sao không sai lầm được.

Nhưng, cơn mê sảng – như đã nói – nó không chỉ đến từ thể xác bệnh hoạn, mà còn từ tinh thần bệnh hoạn. Cái Tâm điên loạn. Khi ai đó có lời nói hay hành vi vô đạo lý, người đời vẫn thường thốt lên :“Nó điên rồi !”.

Cơn mê sảng, lúc đó, đã đồng nghĩa với cơn điên, mà con người ấy – đương sự – không còn ý thức để nhận ra đâu là lẽ phải.  Đại loại như :

  • Cơn mê sảng tình yêu: “điên tình”. Lụy tình. Những cú sốc về tình yêu.
  • Cơn mê sảng tiền của: “điên của”. Bệnh tham của. Tham quan, tham nhũng.
  • Cơn mê sảng quyền lực “điên chức quyền”. Độc tài, bá quyền. v.v…

Chúng ta có thể nhận ra những “lệnh truyền từ cơn mê sảng” để chiếm đoạt tình yêu, chiếm đoạt tiền của, tranh giành quyền lực. Lịch sử và đời thường đã cho thấy tội ác từ những “lệnh truyền trong cơn mê sảng” đã mọc lên như nấm mùa mưa !

Nê-rô ra lệnh đốt cháy Rô-ma (tranh vẽ)

Bạo chúa Nê-rô truyền lệnh đốt cháy thành Rô-ma vì muốn tiêu diệt người Ki-tô hữu.
Hitler truyền lệnh diệt chủng người Do Thái.
Những Bạo Chúa xưa và nay truyền lệnh tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu để thỏa mãn cơn mê sảng làm bá chủ thiên hạ.
Những nhà lãnh đạo và chế độ độc tài từ cơn mê sảng quyền lực đưa ra những “lệnh truyền” bằng những chính sách điên rồ đen tối và độc ác.

Và… còn nhiều nữa…

+ 2. Cơn Mê Sảng cuối cùng !

Mê sảng hay lúc tỉnh có khác nhau gì ? Lệnh truyền trong cơn mê sảng hay lúc tỉnh có khác gì nhau ?

Bối rối, cận thần B hỏi vua tại sao ông ta lại bị đối xử như vậy. Vua giận dữ nói với cận thần B: “Ngươi đã không tuân theo thánh chỉ đốt cháy cung điện, như vậy là phạm tội khi quân.” Cận thần B thưa : “Nhưng Bệ hạ chỉ nói sảng trong cơn sốt thôi ạ.” Bị xúc phạm, nhà vua thét lên: “Như vậy thì có gì khác nhau đâu ?” (trích truyện).

Một người trong cơn tức giận nhất thời, có thể nói lỡ lời, hay hành động thiếu suy xét, còn biết nói lời xin lỗi – “xin lỗi, tôi lỡ nóng giận không kềm chế được mình”. Lúc đó người ta đã nhận ra được cơn “điên tiết” của mình. Đó là cơn điên làm mờ tâm trí trong nhất thời. Giận quá mất khôn.  Khi cơn mê sảng trong lúc “điên tiết” đi qua, người ta “tỉnh” lại. lành mạnh tâm trí lại, người ta nhận ra sai lầm của mình. Vậy trong cơn mê sảng và trong lúc tâm trí lành mạnh hoàn toàn khác nhau.

Như vậy thì có gì khác nhau đâu ?”(trích truyện).

Nếu một người nói được như ông vua trong truyện này, thì người ấy có còn là người không ? Cái tâm ấy có còn là nhân tâm không ?

Nê-rô (ảnh từ phim)

Để kết thúc, xin trích đoạn bức thư của Petronius, một đại thần của bạo chúa Nê-rô, gởi cho chính hoàng đế Nê-rô trước khi tự tìm đến cái chết để đoạn tuyệt với những lệnh truyền trong cơn mê sảng của một đời bạo chúa. Bối cảnh trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkievich, Giải Nobel Văn Học năm 1905.

“…Bạn thân mến của tôi ơi, đời người là một kho báu vô song mà tôi là kẻ biết lựa tìm trong ấy những thứ ngọc ngà quý nhất. Song trong cuộc đời cũng có những thứ mà tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa.

Ồ, xin chớ vội nghĩ rằng tôi không thể chịu đựng nổi việc bạn đã giết cả mẹ lẫn vợ cùng em, việc bạn đã đốt trụi Rô-ma và đày đi Ereb tất cả những người trung trực ở quốc gia này ! Không phải đâu, thưa chắt đích tôn của thần Kronox !

Petronius (ảnh từ phim)

Cái chết vốn là khẩu phần chia theo đầu người, vả chăng đâu có thể trong chờ ở bạn một hành động nào khác thế. Song, phải chịu hỏng tai thêm bao năm nữa vì tiếng hát của bạn, phải nhìn đôi giò khẳng khiu của bạn vung vẩy trong vũ điệu Pirei, phải nghe tiếng đàn của bạn, lời ngâm xướng của bạn, của các bản trường ca của bạn, thì hỡi chàng thi sĩ tội nghiệp của vùng ngoại ô ơi, những điều ấy quả là vượt quá sức chịu đựng của tôi và khiến tôi muốn chết ! Rô-ma phải bịt tai khi nghe bạn, thế giới cười mỉa bạn, còn tôi, tôi không muốn và cũng không thể chín mặt ngượng vì bạn lâu hơn được nữa !

Bạn thân yêu của tôi ! Đối với tôi, tiếng gào hú của con chó ba đầu Xerber – dù là gần giống tiếng hát của bạn – vẫn còn dễ nghe hơn, vì lẽ chưa bao giờ tôi phải là bạn của nó và tôi cũng không có nghĩa vụ phải xấu hổ vì giọng của nó.

Mạnh khỏe nhé nhưng xin đừng ca hát, cứ giết chóc đi nhưng xin chớ làm thơ, hãy đầu độc nữa đi chứ đừng cố múa may, đốt phà tràn lan đi nhưng đàn tranh đừng gẩy – đó là lời chúc và cũng là lời khuyên bằng hữu cuối cùng mà arbiter elegantiarum*  gửi tới bạn”.

MAI NHẬT THI

____________________

* Arbiter elegantiarum : Nhân chứng (trọng tài, chuẩn mực ) của sự thanh lịch. Biểu tượng sự tuyệt mỹ. Để hiểu rõ ý nghĩa những từ này trong ngữ cảnh ở đây, cần đọc thêm đoạn văn này tiếp theo sau đó : Nhìn hai tấm thân trắng ngà tựa như những pho tượng tuyệt vời ấy, các thực khách hiểu rõ rằng: cùng với hai con người ấy, đã chết đi cả những gì còn sót lại cho cái thế giới của họ, đó là thi ca và cái đẹp.”(Petronius đã tìm đến cái chết và Eunice, người yêu của ông, đã cùng chết.)

 

 

Bài liên quan

Back to top button