Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Tôi đi trong nắng thu màu nhớ” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 32 thường niên năm A 12/11/2017

“Tôi đi trong nắng thu màu nhớ”,

Ngơ ngẩn vì tiếng gió Thu buồn
Tôi đi trong lá thu vàng úa
Cứ ngỡ là muôn lá tình thư.”
(Hoàng Thi Thơ – Tà Áo Cưới)

(Gioan 16: 4) 

Trích dẫn câu hát này, chẳng phải vì mùa này là mùa cưới của nhiều người. Nhưng là vì, trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, còn nhiều ca-từ rất dễ nhớ như sau:

“Hôm nay sao áo bay nhiều thế
Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu
Ô hay! Tiếng pháo đâu buồn quá
Xác đỏ làm xao xuyến đường hoa.

Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều
Đưa người em gái bước chân đi đi về bến nao
Ôi buồn làm sao em có nhớ Thu nào

Những tà áo cưới tiễn em đi em đi lấy chồng
Chim trời theo gió biết nơi đâu đâu mà ước mong
Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng

Bâng khuâng trông gió bay tà áo
Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng
Tôi đi đi mãi theo mầu nắng
Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Lúc đầu thì như thế. Như thế, những là: “thướt tha bay bay trong nắng chiều”, “bước chân đi đi về bến nao”, buồn làm sao…” Để rồi, cuối cùng, lại cũng hát “bâng khuâng trông gió”, “tôi đi đi mãi theo màu nắng” , “Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.” 

Ôi chà, là đúng quá. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn. Đời người, bao giờ mà chẳng có lúc đi vào ngõ tối, cũng rất cụt. Cụt và tối, như câu chuyện đôi lứa lúc về già có những buổi nằm nghĩ những chuyện vu vơ, khó nghĩ và khó có ý kiến như câu chuyện về “An tử” như sau:

Lãnh đạo các mạng lưới chăm sóc sức khỏe Công Giáo tại Úc cam kết sẽ không tạo dễ dàng cho hình thức trợ tử tại các cơ sở của họ một khi dự luật trợ tử được nghị viện thông qua. Tổng giám đốc tổ chức Health Australia của liên hợp bệnh viện St Vincent trên toàn quốc ông Toby Hall nói với tuần báo Catholic Weekly rằng bệnh viện sẽ tuân hành nghiêm chỉnh nguyên tắc là “không gây hại” một khi dự luật trợ tử trở thành hợp pháp tại tiểu bang NSW và Victoria.

Tổ chức Health Australia của liên hợp bệnh viện St Vincent được coi là mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất nước. Ông Hall xác nhận bất luận kết quả của các cuộc tranh luận tại Victoria và NSW có ra sao, thì không một cơ sở y tế nào của mạng lưới Health Australia sẽ cung cấp hình thức trợ tử.

Trong khi đó, ông Mark Green, tổng giám đốc toàn quốc mạng lưới y tế Calvary Care với 15 bệnh viện trong quyền quản trị của họ – kể cả tại Melbourne và Kogarah – cho biết mạng lưới Calvary Care sẽ không tham gia nếu dự luật trợ tử được thông qua tại Victoria và NSW.

Nghị viện NSW hiện đang cứu xét dự luật Voluntary Assisted Dying Bill 2017 được sự đồng bảo trợ của các dân biểu Alex Greenwich, Trevor Khan, Lee Evans, Mehreen Faruqi và Lynda Voltz. Trong khi đó tại Victoria, dự luật Voluntary Assisted Dying Bill 2017 đã được hạ viện thông qua hồi tuần qua với 37 phiếu thuận và 27 phiếu chống. Thế nhưng nay còn chờ quyết định của thượng viện.” (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ Nguồn sydneycatholic.org)

Nay thì, mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng vào câu truyện kể cũng không kém khôi hài thuộc loại tiếu lâm chay, hơi bị nhạt như sau:

Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn
Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới sương thu
Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi
Luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn , cho nên chúng ta phải học cách trân trọng, trân trọng tình thân, tình bạn , tình đồng chí, tình bạn học, tình đồng nghiệp …
Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại
Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng
Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao
Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau , học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.
Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những không gian muốn đi .
Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.”
Sau 90 tuổi thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện ấy nữa.
Sau 100 tuổi thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì

Và những lời bàn “Mao Tôn Cương” của người kể, lại như sau: 

“CUỘC ĐỜI CỦA BẠN VÀ TÔI LÀ NHƯ VẬY KHÔNG KHÁC NHAU NHIỀU NHÌN RA , HIỂU ĐƯỢC , THẤU HIỂU RỒI ,CUỘC ĐỜI LÀ NHƯ THẾ . TRÂN TRỌNG NHỮNG THỨ CÓ ĐƯỢC , TÌM LẠI NHỮNG THỨ ĐÃ MẤT.” (Trích truyện kể ở trên mạng, bạn bè gửi cho nhau để còn đọc).

Đọc truyện rồi, nay mời tôi và mời bạn, ta đi vào mục hỏi đáp rất như sau:

“Thưa cha,
Vừa qua, con có dịp nói chuyện với bầu bạn  về vấn đề mà báo chí lâu nay cứ nói nhiều, đó là vấn đề “An tử” hoặc còn gọi là “Trợ tử”, tức: giúp người bệnh đi vào cõi chết, rất nhẹ nhàng. Vấn-đề này, lại sẽ được quốc hội tiểu bang New South Wales tranh-luận. Nhưng câu hỏi đặt ra là: có người từng bảo: họ cũng không hiểu được lý do tại sao ta không để cho những người đang đau khổ được chết nếu họ muốn thế. Riêng con, lâu nay tự hỏi thế nào là “An tử” và thế nào không phải là “An tử”, xin cha cho con vài giòng chỉ-dẫn”.

Lại nữa, đã chính-thức viết thư gạn hỏi ông cha/ông cố những điều như thế thì cha/cố dù không am-tường vấn-để luật đời hay Đạo, cũng cố lục lọi sách vở để viết lên câu trả lời như sau:

“Trước nhất, ta phải tìm cách hiểu cho rõ cụm từ “An-tử” hay “Trợ-tử” bên tiếng Anh là “Euthanasia” có nghĩa gì. Cụm-từ này, xuất từ tiếng Hy Lạp có ý nói về cái chết tốt lành hoặc hạnh-đạo. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị có viết tông thư Evangelium vitae (Đời sống Phúc Âm) vào năm 1995 trong đó ngài định nghĩa “Euthanasia” là “một hành động hoặc quên sót vố dĩ tự nó hoặc có ý-thức, tạo nên cái chết với mục đích loại-bỏ mọi đớn đau, sầu khổ” (Evangelium Vitae đoạn 65).

Điều ngài muốn nói, đơn-giản chỉ thế này: An-tử là việc giết chết một nhân mạng vô tội, như hành động cố sát, nhưng với mục tiêu đặc-thù là loại-bỏ cơn đau của một người. Trong tông-thư, Đức Gioan Phaolô xác-nhận: “An-tử là sự vi-phạm trầm-trọng luật của Chúa, bởi nó vung tay giết chết con người một cách vô đạo-đức, nên không thể chấp-nhận được.

Tín-điều này dựa trên luật tự-nhiên và trên Lời của Chúa có chữ viết như truyền-thống Giáo-hội chuyển-luân và thường được huấn-quyền ban dạy trên khắp thế-giới. Tuỳ từng hoàn-cảnh, việc thực-thi động tác này thường kéo theo việc cố ý tự sát hoặc giết người rất đích thực.

Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo từng viết rất rõ chuyện này bảo rằng: “An-tử là hành-động cố sát nghiêm-trọng chống lại phẩm-giá con người và phản lại việc tôn-kính Thiên-Chúa hằng sống, Đấng Tạo dựng nên muôn loài. Nếu phán-đoán sai lầm, con người có thể rơi vào tình-trạng cứ yên chí không thay đổi được bản-chất của hành-động giết người là hành-động luôn bị cấm đoán và loại-trừ” (GLHTCG đoạn 2277).

Dù có là chuyện nên làm và có thể chấp-nhận làm bất cứ thứ gì để giảm bớt sự đau-đớn nơi người bệnh, nhưng theo pháp-luật thì việc này vẫn không được phép làm vì nó chấm dứt sự sống của con người. Cuối cùng thì, Thiên-Chúa là Chúa-tể sự sống và vì thế cũng tuỳ Ngài quyết-định khi nào thì con người sẵn sang đi vào cõi chết. Ta có thể giết con thú đang đau đớn vì nó chỉ là loài thú, nhưng không thể làm thế với con người được bởi con người là hình-ảnh giống Thiên-Chúa.

Dù sao, ta cũng không được phép quên thực-tại của luyện ngục và sự đau khổ luôn giống như lửa ngọn, rằng linh-hồn chịu đau-đớn ở nơi đó cùng một lúc các linh-hồn cũng thấy vui lòng đến cực độ vì chúng được tinh-luyện cho sạch để đạt chốn thiên-đường. Bởi ta cũng biết, nếu ta kết-thúc sự sống của ai khác một cách quá sớm sủa ngang qua an-tử , cũng có thể là ta chẳng kết-thúc được cơn đau của họ chút nào hết, mà đúng hơn nhận chìm linh hồn họ vào chốn đớn đau nhiều hơn trong luyện ngục. Có thể, Thiên-Chúa muốn họ chịu cực thêm chút nữa ở đời này để rồi họ đem họ đi thẳng vào chốn thiên-được. Nên, ta hãy để Chúa quyết-định xem khi nào là thời-điểm đích-đáng để họ chết.

Trong thời gian chờ đợi, tốt hơn ta nên làm tất cả điều gì có thể làm được để giảm bớt sự đau khổ của con người bằng sự chăm nom săn sóc cốt làm giảm cơn đau của người bệnh bằng cách sử-dụng moo5c-phin hoặc thuốc thang nào đó cho thích-hợp. Dù việc này chỉ làm ngắn bớt sự sống của một người giảm bớt tầm-mức ý-thức của người bệnh , đây không là an-tử nhưng đúng hơn, lại là chăm sóc rất kiên-trì. (X. GLHTCG đoạn 2279)

Dù sao đi nữa, ai ai cũng phải duy-trì tầm-mức ý-thức cho đến khi họ làm tròn trách-nhiệm đạo-đức và gia-đình của họ và có cơ-hội chuẩn bị tinh-thần để sẵn sang giáp mặt Thiên-Chúa (X. tông-thư Sự Sống Phúc Âm đoạn 65). Và bao giờ cũng thế, ta có nhiệm-vụ tiếp-tục chăm sóc người ốm đau, bệnh tật trong đó có cả việc tiếp nước và thức ăn cho họ nữa.

Cũng thế, không phải là an-tử làm đứt đoạn tiến-trình nào đó kéo dài sự sống của một người khi biết rõ là tiến-trình ấy không hoàn-thành mục-tiêu của họ hoặc chúng gây phiền-toái hoặc nguy hiểm cho người bệnh hoặc đưa ra một kết-cuộc thiếu cân-xứng với kỳ vọng.

Sách Giáo Lý Hội thánh Công-giáo còn cắt nghĩa thêm rằng: “Ở đây, không ai được phép gây nên cái chết. Con người không có khả-năng cản-trở chuyện ấy thì còn có thể chấp-nhận được. Mọi quyết-định phải do người bệnh lập ra nếu người ất có thẩm-quyền và khả năng làm thế; bằng không, việc ấy phải do những ai có thẩm-quyền pháp-lý được hành-động thay cho người bệnh, mà ý-muốn của người này có lợi-ích hợp-pháp đều phải được tôn-trọng.” (X. GLHTCG đoạn 2278)

Một ví dụ cụ thể, là: có thể chấp-nhận việc chấm dứt việc tiêm chích hỗ-trợ người bệnh được tiếp sống khi biết rõ là không làm thế thì người bệnh cũng sẽ chết tốt.

Tương-tự như thế, có trường-hợp cho phép được buông bỏ các hình-thức chữ-trị cách nào đó nếu thấy không thể chữa lành được nhưng sẽ chỉ kéo dài cơn đau của người bệnh mà thôi. Điều này bao gồm việc hoá-trị và xạ-trị và bất cứ hình-thức chữa chạy nào khác vẫn không tạo hy-vọng chữa lành được căn bệnh.

Với khoa-học tiến-bộ, ta có nhiều cách chăm sóc khả dĩ làm giảm cơn đau cực-kỳ của người bệnh và việc này khiến người bệnh thấy dễ chịu đủ thì không nên khao khát biện pháp an-tử làm gì. Nhưng, ngay cả khi người bệnh đang phải chịu cơn đau đến độ cực kỳ, ta không thể coi an-tử như phương án cuối cùng để chấm dứt cơn đau của người ấy được.” (Lm Frank Doyle, Euthanasia: Don’t rob people of their suffering, The Catholic Weekly 22/10/2017 tr. 41)

Đọc giòng chảy đầy những chữ ở trên, chắc hẳn có bạn đọc lại sẽ liên tưởng đến câu truyện kể có đầu đề là “Chuyện thắng/thua” của ai đó vừa đăng tải trên trang mạng như sau:

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông thấy cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay. 

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại:

– Cược thế nào?”

– Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán:

– Con bướm trong tay cháu chết rồi.

Cậu thiếu niên cười lớn đáp:

– Ngài đoán sai rồi.

Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói:

– Được, gánh củi này thuộc về cháu.

Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi. Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe. Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ:

– Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng:

– Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng. Người cha thở dài, nói:

– Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hay. (Sưu Tầm)

Nói như người kể truyện ở trên, thì: mọi việc trên đời “có thể rất đơn giản, nhưng đó là bài học cho chúng ta trong đời sống!”

Nghe ra như thể: có người đọc truyện kể ở trên lại cũng nghĩ rằng: “Trong đời sống của chúng ta, nhiều bài học xem ra cũng đơn giản như truyện kể”, thế thôi.

Như thế, nghĩa là: truyện kể hay bài học và bài học hay truyện kể đôi khi cũng giống nhau từng chi tiết. Có những chi tiết chỉ đơn-giản như câu truyện để kể, lại cũng có chi tiết vẫn được coi như bài học  chứ không chỉ là truyện kể, để cho vui.

Xem thế, giống như thể người đi Đạo Chúa lâu nay cứ nghe đi nghe lại nhiều truyện kể trong Tin Mừng, lúc đầu cứ tưởng đơn-giản chỉ là truyện kể, nhưng nghe nhiều lần mới thấy đó là bài học để đời, giúp ta sống. Sống đạo hạnh và đơn giản như truyện kể mà thôi. Một trong các câu nói để đời ấy có thể kể như sau:

Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi.
Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc,
thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.
Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra,
anh em hãy biết là Con Người đã đến gần,
ở ngay ngoài cửa rồi.
Thầy bảo thật anh em:
thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.
Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
“Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được,
ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không,
chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”
(Mc 13: 28-30)

Và hôm nay, nếu bạn và tôi dám áp-dụng câu nói trên vào cuộc đời người có những chuyện không phải để kể, mà để học và hỏi như chuyện “An tử” hay “Trợ tử” bàn ở trên, thì kết luận có thể rút ra được, hệt như câu trên mà rằng: có những sự việc ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”

Nói thế, không để phản bác lập-trường của Giáo-hội hay ai đó về vấn đề “Trợ tử” hay “An tử”, nhưng chỉ muốn bảo với tôi và với bạn rằng: có những chuyện hoặc những truyện chỉ để kể chứ không để rút ra một kết luận nào đó, đúng/sai, thực/hư, mà chỉ để cho nhau nghe mà thôi.

Nghe thế rồi, nay mời tôi và mời bạn, ta lại trở về với bài ca ở trên dung làm câu chấm hết hết cho bài “Phiếm” hôm nay, mà rằng:

“Hôm nay sao áo bay nhiều thế
Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu
Ô hay! Tiếng pháo đâu buồn quá
Xác đỏ làm xao xuyến đường hoa.

Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều
Đưa người em gái bước chân đi đi về bến nao
Ôi buồn làm sao em có nhớ Thu nào

Những tà áo cưới tiễn em đi em đi lấy chồng
Chim trời theo gió biết nơi đâu đâu mà ước mong
Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng

Bâng khuâng trông gió bay tà áo
Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng
Tôi đi đi mãi theo mầu nắng
Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Tắt một lời, có đi “trong nắng thu màu nhớ” hay không, cũng là cơ hội để ta nhớ lại những gì được Đấng thánh hiền nhà Đạo từng nói ở Tin Mừng, rồi giữ lấy cho đời mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,
để khi đến giờ họ hành động,
anh em nhớ lại là
Thầy đã nói với anh em rồi.”
(Gioan 16: 4)

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có nhiều lúc
Vẫn nghe và vẫn nhớ nhiều sự việc
Lại nghĩ đó là sự thật
nên mới hoàn hồn.

Bài liên quan

Back to top button