Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Đường về Cõi Phúc | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Lc.10,25-37)
****

ĐƯỜNG VỀ CÕI PHÚC

25Một hôm có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia gia nghiệp?” 26Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? ” 30Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31Tình cờ,hầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

______________

SUY NIỆM

ĐƯỜNG VỀ CÕI PHÚC

+ I. TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI

            Người Sa-ma-ri tốt bụng không cần biết người bị nạn là ai. Ông chỉ biết một điều, người ấy đang cần giúp đỡ. Sự giúp đỡ tận tình, hết lòng, có kết quả.

            Không có rào cản tôn giáo, chủng tộc, chính trị, giai cấp, giàu nghèo, hay những thứ loại rào cản nào khác ở đây. Cũng không có đòi hỏi thứ thủ tục giấy tờ nào để người gặp nạn được cấp cứu. Không giống như nhiều trường hợp chúng ta vẫn thường thấy xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, nhất là ở nhiều bệnh viện. 

+ II. TÌNH YÊU KHÔNG TÍNH TOÁN

            Tính toán là nghĩ về bản thân mình trước. Còn yêu thương thì nghĩ đến người mình yêu. Hai thầy Tư Tế và Lê-vi  đều thấy người bị nạn, nhưng hai ông nghĩ về mình trước. Các ông sợ phạm luật, sợ mình ra ô uế, sợ bị thương tổn. Có thể các ông cũng tội nghiệp người bị nạn, nhưng lý lẽ bảo vệ an toàn cho bản thân mạnh mẽ hơn, nên các ông đã “tránh qua bên kia mà đi” (Lc.10,31-32).

             Tránh qua bên bia mà đi là sự an toàn ích kỷ cho riêng mình thường thấy trong xã hội hôm nay. Ngay trong lứa tuổi học sinh, những cuộc đánh nhau đến đổ máu, đầy thương tích, rồi ngất xỉu, nhưng nhiều học sinh đang có mặt đã “tránh qua một bên mà…  xem, có em còn bình thản lấy điện thoại di động ra quay phim để xem chơi. (Bạn đọc có thể xem video clip những loại này đầy trên internet và cả báo chí!). Thật xót xa cho đạo đức học đường! Đó không phải là trường hợp cá biệt, mà nó xảy ra nhiều đến mức người ta xem như đó là chuyện bình thường!

            Nhiều khi người ta không muốn “Ách giữa đàng mang vào cổ”. Vừa mất thời gian, vừa tốn tiền tốn bạc, có khi còn rắc rối về sau. Thế nên, Tránh qua bên bia mà đi như không thấy gì, thì hay nhất.

            Người Sa-ma-ri tốt bụng đã không thể làm thế! Ông thấy người gặp nạn, ông đã tạm dừng cuộc hành trình, ông không sợ hiểm nguy nơi hoang vắng, ở lại ngay hiện trường để băng bó vết thương người bị nạn, đem về quán trọ để cấp cứu, bỏ tiền ra mướn người chăm sóc cho đến khi bình phục. Tất cả diễn ra thật chu đáo và tận tình như với một người thân yêu, dù người gặp nạn chỉ là kẻ xa lạ.

            Sức mạnh nào giúp người Sa-ma-ri có trái tim nhân hậu như vậy? Không biết được, nhưng một điều rõ ràng, ông đối xử tốt đẹp với kẻ xa lạ này vì đó là một con người. Ông hành động như vậy vì tình người. Chắc chắn ông không chờ đợi một thứ lợi lộc nào từ một con người không hề quen biết. Ông mang trái tim tình người thật cao cả.

+ III. TÌNH NGƯỜI

            Vào khoảng đầu thập niên 80, có một buổi chiều tôi đang làm cỏ rẫy ở đất cồn cạnh nhà tôi bên dòng sông Tiền. Trời bổng chuyển mưa đen kịt và sấm chớp ầm vang. Dòng sông nổi sóng dữ dội. Bất ngờ một tia chớp lóe sáng và một tiếng nổ kinh hồn. Tất cả đều diễn ra mau chóng. Một chiếc ghe nhỏ cách bờ không xa tiến vào bờ theo từng đợt sóng. Khi vào đến bờ, một người phụ nữ tuổi trên 40 từ trên ghe nhảy xuống, trong nước mắt ràn rụa, bà nói không trọn câu: “Sét đánh trúng chết chồng tôi và đứa con trai tôi rồi, cô bác ơi, làm ơn giúp tìm kiếm xác chồng con của tôi, cô bác ơi”.

            Đêm đó, cả xóm gần như không ai ngủ. Ai có ghe thì đi ghe, ai có xuồng thì đi xuồng, ai không có gì thì đi bộ cặp bờ sông, để tìm xác hai người. Sông lớn, mặc cho sóng to gió lớn, người ta thức trắng đêm để đi tìm. Một số kề cận người đàn bà bất hạnh để an ủi bà. Khi than khóc, có lúc bà đã nói: “Phải chi trời thương cất một người đi thôi, còn đàng này đem hai cha con đi cùng một lúc”. Không ai cầm được nước mắt.  Mãi tới hơn nửa đêm ngày hôm sau mới tìm được xác của hai cha con.

            Quê của bà tận ở gần Châu Đốc, cách quê tôi  mấy chục cây số đường sông lớn. Vợ chồng và đứa con trai đi mua bán hàng bông (rau quả, đồ rẫy), gặp sóng to gió lớn, vội cho ghe chạy vào bờ, thì gặp nạn trên sông . Đây là một xóm dân nghèo, nhưng bà con xúm lại đóng góp tiền để mua hai chiếc quan tài, xăng dầu và cử người lái ghe đi đưa bà và xác chồng con về quê. Bà còn một đứa con nhỏ ở nhà. Mấy ngày sau, họ vẫn còn nhắc đến gia đình người đàn bà bất hạnh xa lạ đó. Ai cũng thương tình và giúp họ với tất cả khả năng của mình.

           Ôi, bảo tố cuộc đời, chợt đến chợt đi ai mà biết được. Không có tình người, ta lạc lỏng biết bao! Nhưng tình đời thờ ơ, bạc bẽo, ta càng đau khổ biết bao!

             – “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia gia nghiệp?”

            Sự sống đời đời là khát vọng sâu xa nhất của con người, thế giới vĩnh hằng, hạnh phúc tuyệt đối trong Thiên Chúa. Đó là cõi phúc của mọi niềm tin.

            Câu trả lời tìm thấy ngay trong câu nhận định của người thông luật qua câu chuyện của Chúa Giê-su kể về người Sa-ma-ri nhân hậu: – “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”

             Hai lần, trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và nhà thông luật, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến việc “thực thi lòng thương xót” đối với tha nhân. “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”(Lc.10, 28); “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”Lc.10,37).

+ IV. CÕI PHÚC

            Tất cả mọi người đều là con cái Chúa. Tất cả đều là anh em trong đại gia đình nhân loại. Không ai có thể đi về cõi phúc một mình, bỏ lại sau lưng những người anh em đang quằn quại dở sống dở chết trong niềm đau thân phận. Không ai có thể vào được Nước Hằng Sống bằng cách tránh qua lối khác mà đi , lạnh lùng với những đau thương cùng cực của đồng loại. Ta nhớ lại đoạn kết câu chuyện của người phú hộ và anh La-da-rô nghèo khó: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận được phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc.16,25).

            Mọi người đều là con cái Chúa. Tất cả đều được sinh ra giống hình ảnh Chúa. Tha nhân là hiện thân Chúa Ki-tô. Chỉ có nhận ra Chúa Ki-tô nơi tha nhân, nhất là những người gian nan, cùng khổ, ta mới có sức mạnh nội tâm cần thiết để phục vụ hết lòng, và mới có thể vượt qua những yếu đuối hẹp hòi của ta, để giữ trong lòng niềm vui phục vụ.

             Mẹ Tê-rê-sa một hôm đang lau rửa những vết thương ung thối của một bệnh nhân nghèo nàn bẩn thĩu. Một người khách đã nói với với mẹ: “Nếu cho tôi 5000 USD, tôi cũng không làm việc này”. Mẹ Tê-rê-sa đáp: “Vâng, nếu cho tôi 10.000 USD, tôi cũng không làm việc này, nhưng tôi làm vì Thiên Chúa”.

            Con đường đến với “sự sống đời đời” rõ ràng, không thể thiếu những con tim biết thực thi lòng thương xót. “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed.36,26).

            Cõi phúc dành cho những ai nhận ra hình ảnh Chúa Ki-tô nơi tha nhân, đặc biệt những người đau khổ, để đồng hành và chia sẻ với họ, với một “quả tim mới”, thấm nhuần “giới luật mới”– Giới Luật Yêu Thương –  một “quả tim bằng thịt”, để biết “yêu thương như Chúa Ki-tô yêu thương”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà hco mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu? Để đáp lại, Đức Vua bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bénhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy”. (Mt.25,34-40).

            Lạy Chúa,

            Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Amen.

                                                                                 Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

__________________

BÀI ĐỌC THÊM

CN. 15, TN C: Thực thi lòng thương xót

Bài liên quan

Back to top button